Tuổi thơ tôi bắt đầu từ khi tôi bắt đầu ghi nhớ. Đó là chuyến xích lô từ ga Sài Gòn qua cầu chữ Y đến chợ Rạch Ông, còn đọng lại là màu vàng tươm của quả dưa lê của dãy hàng mặt chợ, loại trái cây kỳ lạ to tròn vàng mà trước đó tôi chưa được thấy ở quê. Lúc đó tôi 5 tuổi.
5 tuổi, theo mẹ và bà nội vào Sài Gòn, ba tôi vào Sài Gòn trước 1 năm. Chỗ ba tôi thuê không biết nên gọi là gì. Nói là căn nhà thì không tới, nói là cái chòi thì hơi quá. Nó là khoảng sân trước của 1 căn nhà, lợp thêm cái mái, xây thêm cánh cửa thì thành. Ba tôi mở tiệm may ở đó. Chỉ đủ để đặt mấy bàn máy may, tối xếp lại rồi ngủ trên nền gạch đỏ vuông.
Ba tôi mua cho tôi 1 cái bàn học nhỏ, mặt bàn cũng là cái nắp, mở ra thì có 1 hộc đựng sách vở. Tôi mới 5 tuổi, cậu và các thợ may gọi tôi là “nhà bác học không ngừng học” vì tôi học suốt ngày.
Cho đến một ngày, vì nhà chật, ba tôi kêu tôi ra ngoài chơi đi. Thế là tôi ra đầu hẻm chơi. Cảnh đầu tiên và còn đọng trong ký ức tôi là tôi thấy bọn nhỏ đang chơi “cá sấu” ở 1 hiên nhà. Tôi đứng xem bọn nó chơi 1 chút rồi giả giọng Sài Gòn xin chơi với bọn nó. Công nhận con nít mau làm quen. Và cũng kể từ đó, sự nghiệp bác học của tôi chấm dứt sớm vì chơi vui hơn học. Tôi bắt đầu ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà.
Chơi hết cá sấu thì chơi năm mười, rượt bắt, công an bắt cướp, banh đũa, nhảy dây, bắn bi, banh cát,...trò nào cũng chơi. Đơn cữ như trò năm mười, một đứa bị, úp mặt vào cột điện đếm
Nó mới mở mắt ra cả đám không đi núp mà đứng sẵn ở đó ùa vô “tùng”, nó chịu trơ, ùa vô cả đống vậy nó sao mà bắt cho kịp từng đứa. Làm vài lần như vậy nó ức đến khóc.
Rồi tôi cũng vào lớp 1, học với cô Thẳm, ở trường Khánh Bình, lớp 13. Cô Thẳm là cô giáo đầu tiên của tôi. Những năm còn học đại học tôi vẫn còn về thăm cô, nhưng cô không còn nhận ra vì từ lớp 1 lên đến đại học thì khuông mặt tôi đã thay đổi quá nhiều. Bây giờ tôi hết về thăm cô rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ khuông mặt cô. Nhà cô ở cùng con hẻm với nhà tôi, nhưng ở cuối hẻm.
Học lớp 1 dễ như ăn cháo, tôi còn được đi thi vở sạch chữ đẹp có hạng, được thưởng 150 nghìn với 5 quyển vở. 150 nghìn hồi đó là to lắm.
Lên lớp 2 tôi hết viết chữ đẹp, trở thành chữ mèo cào.
Lớp 3 thì học cô Vân. Nhà cô ở xa, tuốt bên đồng diều. Có lần cô bệnh, cả đám rủ nhau đi thăm cô. Đi bộ từ bên trường Khánh Bình mà qua tới đồng diều là 1 đoạn đường xa đối với lũ chúng tôi. Đó là 1 chuyến phiêu lưu đầy hấp dẫn, chưa bao giờ bọn tôi đi xa thế. Lại đi qua ngã đồng diều nữa chứ. Ôi con đường đó hấp dẫn lắm, có đồng rộng, có những dòng kênh, có những cây bình bác mọc dọc bờ sông. Chúng tôi thăm cô xong, chắc chắn không thể bỏ qua cho những trái bình bác. Trái vàng thì hái, trái xanh mà to cũng hái, đem về giấu trong hủ gạo mấy ngày là chín. Ai đã ăn bình bác cũng biết đây là loại trái dở nhất thế giới, dù trái chín vàng ăn cũng lạt nhách, nhưng mà đối với chúng tôi lúc đó là ngon nhất quả đất. Vì sao? Vì muốn hái chúng là phải mạo hiểm, vịn nhánh leo cành mới hái được, đặc biệt trái to toàn mọc ở mép ngoài bờ sông, đâu có dễ gì mà hái được. Đi thăm cô bệnh thì ít, mà đi chơi thì tới chiều. Ở nhà ba mẹ đi tìm, tìm không ra. Lúc đó còn có nạn bắt cóc con nít nữa, nên ở nhà càng lo hơn. Chiều về tôi bị ăn 1 trận đòn.
Năm lớp 4, cùng với sự nghiệp chơi bời và học hành thì tôi còn có sự nghiệp đá banh. Kế bên nhà tôi, có 1 nhà làm mộc, có 1 anh lúc đó lớp 9 tên Vũ, mập, nhưng mà đam mê đá banh. Nghe ảnh kể lớp ảnh đi đá banh da ở sân cát ở bên quận 5 tôi mê lắm, thần tượng lắm, bọn nhóc như tôi chỉ có đá banh nhựa, ảnh hứa khi nào đi sẽ chở tôi đi đá chung. Mỗi chiều, khi ba ảnh hết làm mộc, ảnh rủ tôi qua, dọn cái chỗ làm mộc đi, còn trừa 1 khoảng trống bé tí, đá banh với ảnh. Cái cửa là khung thành, đôi khi đá banh lừa, trái banh nhỏ tẹo, đôi khi đá phạt đền, ảnh xút tôi thủ môn. Nhờ vậy mà tài năng thủ môn của tôi bộc lộ khá sớm.
Ở trường, lớp tôi cũng tham gia đá giải với các lớp. Tôi làm thủ môn. Lớp tôi thua và bị loại ngay trận đầu. Nhưng mà trong 30 phút thi đấu tôi đã thể hiện được tài năng thủ môn, tôi cứu thua nhiều màn khó, bay người chụp bóng như phim, bắt được phạt đền của đội bạn (nhưng vẫn thua). Cho nên tôi được chọn làm thủ môn đội tuyển trường đi đá giải cấp quận.
Giải cấp quận, tôi mặc áo thủ môn trường, lần đầu đeo găng tay thủ môn. Vào sân mới mấy phút bắt được 1 quả, phát bóng lên thế quái nào đá văng luôn chiếc giày, chạy ra ngoài lượm bị ông thầy cho thay luôn thủ môn. Thế là sự nghiệp cầu thủ của tôi đã chấm dứt sau mấy phút thi đấu. Trường tôi cũng bị loại ngay trận đầu, tôi không còn cơ hội nào ra sân nữa.
Tuy nhiên đá banh vẫn luôn là niềm đam mê khó phai trong lòng tôi mãi cho đến bây giờ, nhưng tôi chỉ đá banh chứ không xem đá banh.
Ở trong xóm, có 1 thằng tên Tuấn em, anh nó là Tuấn Anh. Nó nhỏ hơn tôi 1 tuổi, nhưng mà nó rất nhiều tài lẻ. Trò nào nó chơi cũng giỏi. Đá banh nó với tôi là 1 cặp tiền đạo xuất sắc cấp xóm. (tôi ngoài làm thủ môn ra còn là 1 cầu thủ đa năng). Anh Vũ mập lớp 9 chấp tôi với nó thì đá không lại, tôi với nó bật tường hơi bị ăn ý. Nó có thằng anh họ tên Tí ở xóm ngoài, đá cũng hay nhưng hơi láo. Tuấn em hay rủ tôi đi “đá độ” với mấy thằng xóm ngoài. Một trái năm trăm. Có lúc ăn được cả nghìn rưỡi. Cũng có lúc thua. Cũng nhờ bọn xóm ngoài này tôi mới được phổ cập về “banh 2 lớp”. Tụi nó mua 2 trái banh nhựa, 1 trái khoét 1 cái lỗ, trái kia xì hết hơi, bóp dẹp lại rồi nhét vô bên trong trái thứ 1, thế là được banh 2 lớp, cứng hơn, xút không bị gió thổi.
Sự nghiệp đá banh không phải dễ dàng. Nhất là trong xóm có ông tổ trưởng cấm đá banh đường phố. Mỗi lần đá banh là phải canh ổng. Ổng già rồi nhưng khó tính, hay đi bắt chúng tôi đá banh, nhưng chưa lần nào ổng thành công, vì ổng đến thì có đứa la lên cả đám ôm dép với áo chia nhau ra chạy. Cùng lắm là ổng tịch thu được banh. Những hôm trời mưa là sướng nhất vì tắm mưa đá banh thì đá thoải mái, không lo bị ai rượt chạy.
Thằng Sang trong xóm có bà cố, già nhất xóm. Trước nhà nó có đặt 1 đống củi, rất nhiều chuột cư trú ở đây. Đó là địa điểm bọn tôi hay tập hợp để bàn đại sự. Tôi với nó là 2 đứa được thức khuya trong xóm, khi mấy đứa kia đã bị bắt đi ngủ. Tôi với thằng Sang cũng ghét ông Hai Lễ tổ trưởng. Có đêm 2 đứa tôi đã thức đợi đến khuya, lấy cây trét “c*t chó” vô cửa nhà ông Hai Lễ để trả thù.
Ở ngoài đường lộ, có 1 nhà bán nước đá, lúc đi học về trưa nắng tôi hay ghé vào lượm mấy cục nước đá nhỏ bị văng ra khi người ta chặt, cầm trên tay cho mát. Nhà đó có trồng 1 cây trứng cá, cao và cành của nó sà xuống mái tôn của nhà. Tôi với thằng Sang ban đêm hay ra đó trèo lên mái tôn hái trứng cá. Khi thì tôi hái nó hứng, khi thì nó hái tôi hứng. Hái xong về ngồi ở đống củi nhà nó chia chác. “Thuật toán” mà bọn tôi dùng để chia là oẳn tù xì, đứa nào thắng thì được chọn trước, rồi lần lượt thay phiên chọn. Ban đầu thì dễ chọn vì cứ trái to và đỏ thì chọn trước. Về cuối khó chọn vì còn lại trái nhỏ mà đỏ, hay trái vừa vừa mà hườm.
Có một hiện tượng mà tôi chưa giải thích được đó là các trò chơi của con nít lại có mùa, như mùa seagame, mùa world cup vậy. Hết mùa này đến mùa khác. Chúng tôi cũng chơi theo mùa. Có thể kể ra là mùa cá đá, mùa dế và ốc mượn hồn, mùa hình, mùa thú, mùa thẻ, mùa móc xích, mùa dây thun, mùa con vụ, mùa đúc thạch cao, thậm chí là mùa...bao thuốc lá, mùa bắn thằn lằn.
Mùa cá đá, cá lia thia xanh, cá phướng đỏ đuôi xoè. Họ bán trong chai truyền nước biển, hai nghìn 1 con. Cá lia thia đá dữ dội, đá tới sứt da chảy máu, câu mỏ lượn lờ trong nước, đá cả tiếng đồng hồ không phân thắng thua phải bắt ra dưỡng sức trong ...nước muối cho mau lành (cá không ăn muối cá ươn). Con nào mà chạy thì sẽ bị chạy luôn kể từ đó rất khó hồi phục để đá trận khác, chúng tôi gọi là cá “ba sọc dưa” vì khi nó sợ màu da trên lưng nó không còn xanh đậm mà lại nhợt nhạt có sọc như trái dưa leo.
Anh Vũ mập không chỉ đam mê đá banh, mà con đam mê “ép cá” lia thia, tức là không chơi cá mua, mà tự nhân giống cá của riêng mình, điều này rất khó. Những lúc nghe anh mô tả khi cá mẹ đẻ, cá bố ngậm con trong miệng,...tụi tôi rất mê. Giờ nghĩ lại trên quan điểm giáo dục, thì anh Vũ phải là người có trí thông minh thiên nhiên mới đúng, một nhà sinh vật học tiềm năng nhưng không được phát triển.
Hết mùa cá rồi đến mùa dế. Những lồng dế bán trước cổng trường, bao giờ cũng có 2 lồng, 1 là lồng dế, 1 là lồng ốc mượn hồn. Ốc mượn hồn có thể bò ra khỏi vỏ, chỉ có vậy thôi, không còn gì đặc biệt. Còn dế thì có mấy loại, dế than màu đen lì như màu iphone X đen mới, dế dầu màu cánh dán, dễ lửa màu đỏ hơn. Trong triết lý của bọn nít chúng tôi, 3 loại dế này đại diện cho 3 thái cực. Dế lửa đá sung nhất, nhưng mau chạy nhất nếu gặp đối thủ mạnh. Dế than thì lầm lì nhất, đá không sung nhưng mà kiên nhẫn. Còn dế dầu thì trung đạo. Tôi thì thích dế dầu, có lẽ từ nhỏ tôi đã có xu hướng trung đạo ^^.
Ngoài ra còn có loại dế trong truyền thuyết là dế cơm. Nghe miêu tả là to bằng mấy lần dế than, càng của nó to khủng bố, đá là chỉ có thắng. Phải qua bên ruộng mới bắt được dế cơm. Có lần tôi theo thằng bạn qua nhà nó bên kia sông Xán, khu đó còn ruộng đồng, để bắt dế cơm. Chẳng bắt được con nào, nhưng mà qua bên ruộng có bao nhiêu trò vui khác.
Họ bán dế trong 1 cái cuộn dấy tròn bằng ngón tay út. Trước khi vào học ghé cổng trường mua 1 con, đem vào lớp, đang học thì nó gáy lên réc réc không giấu cô giáo được. Bị nhốt trong cuộn giấy, nó mum giấy thành nhiều mảnh vụn li ti. Về nhà chúng tôi bỏ nó vào...bao thuốc lá, tội nghiệp nó chắc bị ung thư phổi. Có đứa sang hơn, lấy hộp bánh bỏ cát vào làm chuồng cho dế. Nuôi dế cho ăn củ sắn (củ đậu). Nhưng nếu sành điệu thì phải cho ăn cỏ chay, một loại cỏ cứng và bóng, ăn loại cỏ này dế mới khoẻ.
Đá dế thì phải quay dế. Bởi vậy mới có câu “quay như dế”. Nhân đây tôi sẽ làm 1 khoá cho các bạn về quay dế. Santa kể nắm đầu Xên Bọ Hung quay như dế rồi Xên lăn đùng ra chết. Nhiều bạn không biết nghĩ rằng quay dế là nắm râu dế rồi quay. Như vậy thì chết, râu dế là ăng ten của dế để nó nhận biết thế giới, râu dế rất dễ đứt, đứt rồi thì xong. Quay dế có 2 cách. Cách 1 là lấy sợi tóc, gấp đôi lại, luồn vào trong nách chân sau (chân to) của dế, rồi cầm sợi tóc quay, vừa quay vừa thổi. Đúng điệu là dế phải vừa bị quay vừa xoè cánh ra đập. Cách thứ 2 là nắm sợi râu ngắn ngay sát càng dế rồi quay. Sợi này ngắn chút xíu thôi nhưng khó đứt. Ngoài ra có trò rùng rợn là đầu lâu dế (hơi ghê rợn nên bỏ qua).
Hết mùa dế đến mùa bi, bi ve bi sữa bi trong. Viên bi mà bọn tôi thích nhất là bi trong màu xanh trong những chai sơn xịt, chúng không phải là bi thị trường có thể mua được mà thỉnh thoảng có ai xịt hết bình sơn thì chúng tôi mới đập ra lấy, chúng trong veo màu xanh ngọc tuyệt đẹp và hiếm. Chơi bi thì có bi lỗ với nhiều phiên bản, 1 lỗ, 2 lỗ, 7 lỗ lâu rồi tôi cũng không nhớ luật. Bi tam giác, vẽ 1 cái tam giác rồi mỗi đứa bỏ 1 số bi vào, ai bắn được viên nào ra thì lấy viên đó. Kỹ thuật bắn bi thì có bắn xà, bắn nhiễu.
Hết mùa bi lại tới mùa hình. Hình 7 viên ngọc rồng, hình thuỷ thủ mặt trăng, hình hecman,...Chơi hình thì chủ yếu là chơi tạt hình. Mỗi đứa bỏ 1 lượng hình vào 1 cái ô, rồi dùng dép tạt, ai tạt ra được thì lấy.
Rồi mùa thú. Thú ở đây không phải là thú vật, mà là tượng đúc bằng nhựa những nhân vật từ trong truyện tranh ra.
Mùa hình thẻ, cũng là những nhân vật truyện tranh được đúc thành tấm nhựa mỏng.
Mùa móc xích nhựa, hình xích, hình sao, hình đủ thứ.
Mùa con vụ, với vụ gỗ, vụ nhựa đủ cả.
Tới lúc bí quá thì chúng tôi còn chơi mùa dây thun, hoặc đi lượm bao thuốc lá về xếp dẹp lại cũng thành 1 mùa. Bí nữa thì đan dây thun đi bắn thằn lằn.
Tuổi thơ của tôi và mấy đứa trong xóm là như vậy, mỗi ngày mở mắt là một ngày vui, chơi và khám phá thế giới xung quanh, ngạc nhiên trước bao điều kỳ lạ, banh 2 lớp là một phát minh có tính cách mạng, nuôi dế phải cho ăn cỏ chay là một kinh nghiệm truyền đời. Nhưng ngày đó xã hội còn nghèo, con nít được vui chơi khám phá nhưng ít được định hướng phát triển, bây giờ tan tác về đâu. Con nít bây giờ thì ngược lại, tuy được nuôi và định hướng tốt hơn, nhưng lại ít cơ hội chơi và khám phá, ngập trong bài học, từ nhỏ là học anh văn, học Toán, học hát, học đàn, học điều khiển cảm xúc, học học hộc máu, có em nào còn biết đá cá, đá dế, tạt lon, tạt dép, hái trộm trái cây nữa đâu. Chơi game, ipad, facebook,...sao bằng tắm mưa đá banh, qua sông bắt dế cơm. Làm sao để cân bằng cả 2 là một câu hỏi không có lời giải đáp.
Bài viết này nói về những ngụ ý sai lầm khi cha mẹ động viên con cái, hy vọng sẽ giúp ích một phần cho các bậc phụ huynh trong việc nuôi dưỡng sự phát triển của con mình.
Bài viết là lược dịch một đoạn trong quyển “Mindset, the new psychology of success” của tiến sĩ Carol S. Dweck ở Đại học Stanford. Bà đã bỏ ra hang chục năm để nghiên cứu về:
· Fixed mindset: quan điểm cho rằng khả năng và tính cách của con người là bẩm sinh, không thể phát triển.
· Growth mindset: quan điểm cho rằng khả năng và tính cách của con người có thể phát triển qua rèn luyện.
Bà cũng được mời thuyết trình về growth mindset tại TED TALK
https://www.youtube.com/watch?v=J-swZaKN2Ic
1. Ngụ ý đằng sau những câu nói với trẻ.
Không có cha mẹ nào lại nghĩ “làm cách nào để làm hại sự phát triển của con mình, làm cho con mình không cố gắng, cắt đứt đường học hỏi của con”. Hầu hết cha mẹ đều nghĩ “mình sẽ làm tất cả để con mình thành công”. Tuy nhiên nhiều việc cha mẹ làm lại gây phản tác dụng. Những lời động viên, bài học của họ thường gửi đến con cái những thông điệp sai lầm.
Thông điệp của người có fixed mindset: “Con có những đặc điểm, khả năng sẽ cứ như vậy mãi mãi, và cha mẹ đang phán xét điều đó”.
Thông điệp của người có growth mindset: “Con là một người đang và sẽ phát triển và cha mẹ rất quan tâm đến sự phát triển đó của con”.
Trẻ em rất nhạy cảm với những thông điệp này và những thông điệp này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ.
Bruce, 5 tuổi, đến nhà trẻ cùng với mẹ. Bruce chỉ vào các bức vẽ trên tường và hỏi “Ai đã vẽ những bức tranh xấu này vậy?”. Mẹ của Bruce vội vàng đáp “Sẽ không tốt nếu chê tranh của người khác là xấu khi mà các bức tranh đều rất dễ thương”. Thầy giáo, 1 chuyên gia về trẻ em, hiểu rõ điều mà người mẹ muốn ngụ ý “Ở đây, con không bị bắt buộc phải vẽ những bức tranh đẹp, con có thể vẽ theo tuỳ ý con thích”. Qua đó người mẹ đã trả lời cho câu hỏi sâu xa của Bruce “Điều gì sẽ xảy ra cho một đứa trẻ không vẽ tranh đẹp ?”.
Bruce lại tiếp tục chỉ một chiếc xe cứu hoả đồ chơi bị bể và hỏi “Ai đã làm bể cái xe này?”. Người mẹ đáp “Có gì khác biệt đối với con khi biết ai đã làm bể chiếc xe? Con đâu có biết ai ở đây.” Thầy giáo hiểu ý tiếp lời “Đồ chơi là để chơi, thỉnh thoảng thì bị hư, điều đó vẫn hay xảy ra.” Một lần nữa câu hỏi sâu xa của Bruce được trả lời “Điều gì sẽ xảy ra cho đứa trẻ làm bể đồ chơi?”.
Bruce bắt đầu đi học mẫu giáo, đó không phải là nơi Bruce sẽ bị phán xét và dán nhãn.
2. Ngụ ý đằng sau những lời khen và phản tác dụng.
Hãy nghe những lời nói sau:
- Con học thật nhanh, con thật thông minh.
- Con thất tài giỏi, con được điểm 10 mà chẳng cần phải học gì.
Nhưng từ phía trẻ em, những lời trên lại trở thành thông điệp như sau:
- Nếu mình không học nhanh có nghĩa là mình không thông minh.
- Tốt nhất là mình không nên học nhiều, nếu không người khác sẽ không còn nghĩ là mình tài giỏi.
Những đứa trẻ có fixed mindset thường bị ám ảnh nhiều bởi những lời khen như vậy. Qua 7 thí nghiệm cùng với hàng trăm trẻ em, tiến sĩ Carol Dweck nhận thấy rằng việc khen trẻ thông minh làm hại đến động lực và thành quả của trẻ.
Trẻ em thích được khen, đặc biệt là khen về trí thông minh và tài năng bẩm sinh của mình. Lời khen đem lại cho trẻ một phút giây toả sáng, nhưng chỉ trong phút chốc. Lúc trẻ đụng phải khó khăn thì mọi động lực sẽ tan biến. Nếu thành công có nghĩa là thông minh, thì thất bại có nghĩa là ngu ngốc. Đó chính là fixed mindset.
Cha mẹ thường nghĩ họ có thể cho con một sự tự tin mãi mãi bằng cách khen con. Nhưng điều đó lại không đúng và còn gây tác dụng ngược lại. Nó làm cho trẻ nghi ngờ chính bản thân mình mỗi khi có điều gì đó khó khăn xảy ra không đúng như ý mình muốn.
Nếu cha mẹ muốn tặng cho con một món quà quý giá, cách tốt nhất là dạy cho con yêu thích thử thách, không sợ mắc lỗi, tận hưởng sự cố gắng, và luôn tiếp tục học hỏi. Bằng cách này, trẻ sẽ không trở thành nô lệ của những lời khen. Trẻ sẽ có cả một chặng đường dài suốt đời để xây dựng sự tự tin của riêng mình.
Kiến Long - Học viện TẠI SAO
Experiential education (giáo dục dựa trên kinh nghiệm) của John Dewey
Kiến Long – Học viện TẠI SAO
Báo cáo này là tổng kết lại những ý tưởng quan trọng của John Dewey được ông viết trong quyển “Experience and Education” (1938) – là tác phẩm quan trọng nhất của Dewey.
Tham khảo:
http://ruby.fgcu.edu/courses/ndemers/colloquium/experienceducationdewey.pdf
https://study.com/academy/lesson/john-dewey-on-education-theory-philosophy-quiz.html
Nội dung:
1. Overview
2. Traditional education vs progressive education
3. The need of a theory of experience
4. Criteria of experience
5. Social control
6. The nature of freedom
7. Progressive organization of subject-matter
John Dewey (1859-1952) là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Hoa Kỳ thế kỷ 20, là người đặt nền móng cho nền giáo dục hiện đại của Hoa Kỳ.
John Dewey bắt đầu ý tưởng về giáo dục dựa trên kinh nghiệm (experiential education) vào năm 1896 khi ông mở University Laboratory School tại University of Chicago, Lab này về sau trở thành Dewey School. Dewey School là nơi Dewey hình thành nền tảng cho triết lý giáo dục của ông. Sau đó ông đến làm việc tại Columbia University và tiếp tục phát triển triết lý giáo dục của mình.
Hai tác phẩm lớn nhất của ông về giáo dục là “Democracy and Education”(Dân chủ và giáo dục) (1916) và “Experience and Education”(1938) (kinh nghiệm và giáo dục).
Quyển “Experience and Education” được viết 20 năm sau quyển “Democracy and Education”, là nơi Dewey cô đọng các tư tưởng cùa mình về giáo dục, sau những phản hồi từ thực tế và từ những phê bình của nhiều nhà tư tưởng khác.
Vào thời đại của ông, để chống lại giáo dục truyền thống vốn cũ kỹ và giáo điều, nhiều tư tưởng giáo dục đổi mới chưa phát triển đầy đủ xuất hiện, cực đoan hoá tính cá nhân và tính ngẫu nhiên, nguỵ trang dưới mỹ từ tự do.
“Experience and Education” của Dewey phân tích cả traditional education lẫn progressive education ở thời đại của ông. Dewey chỉ ra cả hai tư tưởng giáo dục này đều không toàn diện. Traditional education (giáo dục truyền thống) chỉ chú tâm đến nội dung dạy và áp đặt cứng nhắc, không quan tâm đến khả năng cũng như sở thích của người học. Progressive education (giáo dục cấp tiến) thì ngược lại ủng hộ sự cá nhân hoá và tự do của người học một cách quá lố.
Dewey cho rằng sẽ là không đúng nếu một lĩnh vực quan trọng như giáo dục lại thiếu một lý thuyết đằng sau làm cơ sở cho nó. Và hướng giải quyết của Dewey là experiential education (giáo dục dựa trên kinh nghiệm). Dewey đi sâu vào phân tích những tính chất của kinh nghiệm và xây dựng nên lý thuyết về giáo dục dựa trên kinh nghiệm.
Con người thường cực đoan hoá vấn đề. Khi giáo dục truyền thống quá hạn chế sự tự do phát triển của người học, người ta liền cho rằng những điều ngược lại là đúng.
Giáo dục truyền thống cho rằng nhà trường là nơi chuẩn bị cho học sinh những trách nhiệm xã hội trong tương lai bằng cách truyền tải cho học sinh những khối kiến thức, kỹ năng của những thế hệ cũ như là các luật lệ, tiêu chuẩn đạo đức, thói quen,...Học sinh bị biến thành những người đón nhận, chấp nhận và tuân lệnh.
Những kiến thức được dạy ở nhà trường là không vận động và cách ly (static and isolated), người dạy ít quan tâm đến cách mà kiến thức được xây dựng từ nguồn gốc hay sự thay đổi của kiến thức.
Trong khi đó, progressive education đi theo chiều ngược lại nó thay thế:
Những đặc điểm trên của progressive education là tốt, tuy nhiên nó được làm một cách cực đoan và thiếu cơ sở lý luận.
Cần có một triết lý giáo dục mới để giải quyết cái gốc của những vấn đề trong nền giáo dục cũ và mới.
Dewey nói rằng kinh nghiệm là phương tiện và cũng là mục đích của giáo dục.
Có mối liên hệ hữu cơ giữa giáo dục và kinh nghiệm, nền giáo dục mới phải được xây dựng trên triết lý có thể kiểm chứng được chứ không chỉ là lý luận suông.
Nói giáo dục dựa trên kinh nghiệm nhưng không phải kinh nghiệm nào cũng có tính giáo dục. Những kinh nghiệm phi giáo dục ngăn cản và bóp méo sự phát triển. Ví dụ:
Giáo dục vốn không thiếu kinh nghiệm nhưng vấn đề là chất lượng của kinh nghiệm
Dewey chỉ ra hai đặc tính cơ bản của kinh nghiệm là tính tiếp nối và tính tương tác (continuity and interaction). Hai đặc tính này làm nên chiều sâu và chiều rộng của kinh nghiệm (lateral and longtitudinal dimension).
Tính tiếp nối:
Một kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng và hình thành những kinh nghiệm tiếp theo. Tuy nhiên, sự phát triển không thôi là chưa đủ mà cần định hướng cho sự phát triển.
Nhiệm vụ của người làm giáo dục là dùng sự trưởng thành của mình để thấy được hướng mà những kinh nghiệm của người học sẽ dẫn họ đến. Bằng cách thấu hiểu về những gì đang diễn ra và sẽ tiếp diễn trong đầu của người học, người dạy sẽ tạo ra được một sự giáo dục dựa trên kinh nghiệm sống động (living experience).
Tính tương tác:
Tính tương tác nói rằng mỗi kinh nghiệm chỉ thực sự là kinh nghiệm khi nó được đặt trong một hoàn cảnh khách quan, bao gồm bản thân nội tại người học và điều kiện ngoại tại từ môi trường. Dewey lấy ví dụ một người mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh, bà không chỉ nên quan tâm đến những nhu cầu, tình trạng của con mình mà còn cần quan tâm đến cả những kiến thức về chăm sóc trẻ mà xã hội, chuyên gia đã tìm ra.
Dewey chỉ ra traditional education quá chú tâm đến tính ngoại tại, áp đặt những tiêu chuẩn của xã hội vào người học, Progressive Education lại quá đề cao tiếng nói của tự do, quên đi hoàn cảnh thực tại.
Kinh nghiệm ngoài tính nội tại còn có tính ngoại tại. Vì vậy giáo dục cần xét đến hoàn cảnh bên ngoài như lịch sử, kinh tế, xã hội, ...xem chúng như nguồn lực để giảng dạy.
Tất cả mọi người đều sống trong xã hội và chịu social cotrol, tuy nhiên social control không chỉ là luật lệ áp đặt, mà nó còn đại diện cho một sự đồng ý chung của tất cả mọi người vì lợi ích của toàn thể.
Trong một tình huống giáo dục, người dạy nên sử dụng quyền của mình như là người đại diện cho lợi ích của cả nhóm, chọn ra những kinh nghiệm, tạo điều kiện, khuyến khích sự tương tác và phát triển tính cộng đồng. Điều này tạo cơ hội cho tất cả cá nhân tham gia xây dựng nên social control.
Khi người dạy xem giáo dục như một social process (tiến trình xã hội), người đó sẽ không còn đặt mình ở vị trí người ra lệnh nữa, mà như là một lãnh đạo cho những hoạt động của nhóm người học.
Đối lại với social coltrol là tự do. Dewey chỉ ra có sự sai lầm khi quan niệm tự do chỉ là tự do hoạt động vật lý. Dewey cho rằng không thể tách rời giữa tự do về vật lý và tự do về mong muốn, mục đích, suy nghĩ. Thứ tự do quan trọng nhất là tự do trí tuệ, có nghĩa là tự do về quan sát và lập luận.
Những kinh nghiệm mà ngươi dạy lựa chọn cho người học phải được đảm bảo có 2 điều sau:
Những đặc điểm trên sẽ chỉ được thoả mãn một khi người dạy xem việc dạy và học là một quá trình xây dựng lại kinh nghiệm (process of reconstruction experience).
Không biết có ai đồng cảnh ngộ với tôi không, tôi lớn lên với niềm tin sắt đá rằng mình sẽ trở thành nhà khoa học hay kỹ sư gì đó, đại loại là loanh quanh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Bởi vì điểm toán, lý ở trường của tôi cao hơn những điểm khác. Từ khi ra trường cho đến hiện tại tôi vẫn làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật. Nhưng phải chi...
Phải chi hồi đó, ngoài điểm số tôi còn được đánh giá dưới những góc nhìn khác sâu sắc hơn, toàn diện hơn, cảm thông hơn. Chẳng hạn như thay vì chỉ chấm điểm 5 môn nhạc cho tôi – ngụ ý rằng tôi không có khả năng nghệ thuật, thì bằng sự thấu hiểu và góc nhìn toàn diện hơn, chỉ cho tôi thấy một điểm tích cực nào đó về khả năng nghệ thuật của tôi, ví dụ như khả năng cảm thụ âm nhạc chẳng hạn.
Hoặc chí ít những tiêu chuẩn đánh giá hiện đại hơn như đánh giá phương pháp làm việc của tôi, đánh giá khả năng sáng tạo của tôi thay vì điểm 9 môn toán điểm 5 môn thủ công, đánh giá khả năng trình bày vấn đề rõ ràng mạch lạc của tôi thay vì cho điểm 6 môn văn. Điểm 9, điểm 5 hay điểm 6 tôi có mang nó vào cuộc sống sau này đâu, nhưng phương pháp làm việc, khả năng sáng tạo, kỹ năng trình bày là những thứ tôi có thể mang ra dùng trong xã hội hiện đại.
Nền giáo dục Phần Lan có rất ít bài kiểm tra vì họ lập luận rằng “tại sao phải kiểm tra? giáo viên của chúng tôi hiểu học sinh nhiều hơn là các bài kiểm tra cho biết”. Cũng đồng quan điểm này, Học viện TẠI SAO cho rằng việc đánh giá một học sinh cần phải được thực hiện ở một mức độ sâu hơn là điểm số trong những bài kiểm tra.
-- Kiến Long -- Học viện TẠI SAO
Theo thống kê của PISA:
Môn Toán được dạy theo cách truyền thống bao gồm giảng lý thuyết, làm bài tập, kiểm tra dưới áp lực thời gian là nguyên nhân gây ra nỗi sợ Toán. Toán học trong ấn tượng của chúng ta là một môn học đánh giá thành tích. Nếu hỏi học sinh làm gì trong giờ học Toán thì câu trả lời là : cố gắng giải bài tập đúng. Môn Toán có nhiều bài tập, kiểm tra, điểm số, cuộc thi hơn tất cả các môn khác.
Môn Toán ở Việt Nam rất nặng về tính kỹ thuật, mẹo mực giải bài tập. Nhiều đến phát ngán! Học sinh lẫn phụ huynh cũng biết như vậy nhưng không biết phải làm thế nào vì điểm Toán được tính hệ số cao nhất và có mặt trong hầu hết cuộc thi chuyển cấp quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của học sinh.
Trên thực tế, môn Toán đúng là quan trọng thật. Các công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Thực tế ảo, Xe tự lái,…đều cần một nền tảng Toán học vững chắc. Nói không ngoa thì tương lai chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào Toán học.
Thế nhưng, đó không phải là thứ Toán học mà học sinh Việt Nam đang “bị” học. Thứ chúng ta cần là TƯ DUY TOÁN HỌC chứ không phải mẹo giải bài tập. Thứ chúng ta cần là TƯ DUY LOGIC, GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ chứ không phải là giải những bài tập đánh đố và đánh giá trí thông minh.
Vậy làm sao để giải quyết mâu thuẫn giữa thực tế và mong muốn? Có cách nào vừa giúp học sinh phát triển tư duy Toán học, giải quyết vấn đề mà vẫn đảm bảo điểm số tốt môn Toán? Bài báo sau đây của giáo sư JO BOALER của đại học STANFORD sẽ giúp chúng ta phần nào.
It’s time to stop the clock on math anxiety. Here’s the latest research on how
Giáo sư Jo Boaler đã lập ra 1 trung tâm với sứ mệnh thay đổi “mối quan hệ với Toán học” ở nước Mỹ. Giáo sư đã thiết kế 1 chương trình học 18 buổi dạy Toán theo cách sáng tạo, mở, trực quan, hình ảnh, cho học sinh trung học cơ sở. Kết quả thật kinh ngạc, đã làm tăng 50% kết quả của học sinh trong bài test tiêu chuẩn môn Toán. Đáng chú ý là các học sinh thay đổi quan điểm và trở nên yêu thích và tự tin hơn khi học Toán.
Và thật cám ơn giáo sư Jo Boaler vì đã chia sẻ nội dung bài học cho tất cả chúng ta có thể sử dụng ở trang web : https://www.youcubed.org/tasks/ . Tôi với tư cách là 1 ngươi dạy Toán, cảm thấy được truyền rất nhiều cảm hứng và rất háo hức nghiên cứu những bài học đó để hướng dẫn lại cho học sinh của mình.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, chương trình Toán ở Việt Nam thực sự quá nặng về tính kỹ thuật mà để đạt kết quả tốt học sinh cũng cần thích nghi. Cho nên tôi dự tính sẽ lồng ghép các bài học của giáo sư Jo Boaler vào trong 1 chương trình Toán với mô hình như sau:
TƯ DUY – LUYỆN TẬP – THẢO LUẬN
Một buổi học 90 phút được chia làm 3 phần: Tư duy (30ph), Luyện tập (45ph), Thảo luận (15ph)
TƯ DUY (30ph): sẽ dạy cho học sinh theo những bài học của giáo sư Jo Boaler nhằm mục tiêu làm cho học sinh yêu thích Toán hơn và phát triển TƯ DUY TOÁN HỌC, cụ thể:
LUYỆN TẬP (45ph): nhằm thực hành làm bài tập trong chương trình Toán ở trường, giúp học sinh nắm vững kỹ năng toán học để đảm bảo điểm tốt ở trường.
Nhưng cũng sẽ có điểm khác biệt : các em sẽ được học theo lộ trình cá nhân với sự trợ giúp của công nghệ. Mỗi em có 1 sức học khác nhau, những điểm chưa hiểu khác nhau, nên sẽ hiệu quả hơn nếu mỗi em được học theo 1 lộ trình riêng phù hợp với nhu cầu thay vì theo cách truyền thống tất cả học sinh cùng nghe 1 bài giảng, làm chung 1 bài tập.
THẢO LUẬN (15ph): nhằm giúp học sinh chủ động tư duy, hiểu sâu hơn và nhớ tốt hơn.
Nói khác với nghe ở chỗ nói là chủ động, não phải xử lý thông tin, tư duy để sản xuất ra ý kiến. Để cho học sinh nói lên được về điều đã học thì sẽ hiểu sâu vấn đề hơn là chỉ nghe giảng. Học sinh sẽ thảo luận về những câu hỏi:
ĐĂNG KÝ THAM GIA LỚP HỌC: lớp học Toán mô hình TƯ DUY – LUYỆN TẬP – THẢO LUẬN cho học sinh cấp 2 sẽ được mở vào giữa tháng 5 vào các buổi tối trong tuần hoặc ngày cuối tuần. Một tuần 2 buổi 1h30ph. Tại địa chỉ: phòng 501, số 107 Bến Vân Đồn, Q4, TpHCM (ngay gần cầu Calmette).
Nếu bạn mong muốn đăng ký học hoặc có quan tâm nhưng chưa chắc sắp xếp được thời gian, hãy điền thông tin tiền đăng ký ở đây để nhận thông báo khi lớp được chính thức mở.
-----------------------------------------------------------------
Mọi thắc mắc xin liên hệ
Nguyễn Kiến Long - Sáng lập Học viện TẠI SAO
kienlong19@gmail.com - 090 234 61 63